default-logo

Lễ hội Gầu Tào gắn với phát triển kinh tế du lịch ở Hòa Bình

Lễ hội Gầu Tào gắn với phát triển kinh tế du lịch ở Hòa Bình

Ngày 4/1, hai xã Hang Kia và Pà Cò (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) phối hợp tổ chức khai mạc Lễ hội Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020. Đây là hoạt động truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông vào dịp mừng Đảng, mừng Xuân và tiến tới kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/2/1930 – 03/2/2020). Lễ hội đã thu hút được hàng nghìn du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Lễ hội Gầu Tào của đồng bào dân tộc Mông (Mai Châu) là nét sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đã có từ lâu đời. Việc tổ chức lễ hội Gầu Tào nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa, dân tộc, tăng cường quảng bá với du khách trong nước và quốc tế về lịch sử, văn hóa và tiềm năng du lịch của xã Hang Kia và xã Pà Cò. Đồng thời, lễ hội cũng tạo không khí vui tươi phấn khởi cho nhân dân hai xã chuẩn bị đón Xuân Canh Tý năm 2020.

le-hoi-gau-tao

Tại lễ hội, Chủ tịch UBND xã Pà Cò, Sùng A Màng cho biết, đồng bào Mông hai xã Hang Kia – Pà Cò trước đây sống biệt lập, kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Những năm gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội nhiều chương trình phát triển kinh tế đã được triển khai, trong đó có các đề án xóa đói giảm nghèo và cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó mà có sự chuyển biến mạnh mẽ về đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Mông ở hai xã. Người dân không còn du canh, du cư mà đã sống tập trung, đoàn kết xây dựng bản làng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi.

le-hoi-gau-tao

Trong Lễ hội Gầu Tào của người Mông, cây nêu được trồng trên bãi đất rộng, bằng phẳng, thể hiện sự vững chãi, tâm điểm của trời đất. Ông Sùng A Vờ, một người am hiểu tập tục của tổ tiên, chia sẻ, ngọn cây nêu bao giờ cũng hướng về hướng Đông, là hướng sinh, với mong muốn của người Mông là cầu sinh con, cũng là hướng của mặt trời mọc, với mong ước mùa màng bội thu, cầu cho sức khỏe của bản làng. Việc cúng lễ ngay dưới gốc cây nêu là để cầu trời đất để thần linh phù hộ cho bản làng yên vui, người người khỏe mạnh, hạnh phúc, ăn nên làm ra, trồng trọt, chăn nuôi sinh sôi, được mùa…  

Tham gia lễ hội, chị Nguyễn Thị Minh Thùy (khách du lịch từ thành phố Hòa Bình) có ấn tượng mạnh với tiếng khèn của người Mông. Khi tiếng khèn vang lên, mọi người cùng nắm tay nhau vòng tròn nhảy múa quanh cây nêu. Đặc biệt, tiếng khèn thể hiện được nỗi niềm, chất chứa cảm xúc thiết tha, bồi hồi của những chàng trai, cô gái Mông đầy sức sống mãnh liệt.

le-hoi-gau-tao

Anh Hà Văn Hoàn, khách du lịch từ huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La, cho biết, Lễ hội Gầu Tào ở Mai Châu có nét độc đáo riêng, khác biệt với các lễ hội của các dân tộc Thái, Mường… tỉnh Sơn La. Qua từng năm, lễ hội của đồng bào dân tộc Mông (Hòa Bình) đã có sự phát triển để xóa bỏ các hủ tục, mê tín lạc hậu, thể hiện được sự độc đáo và gìn giữ bản sắc riêng mà không nơi nào có được.
Đến với Lễ hội Gầu Tào, các du khách được thưởng thức những tiết mục văn nghệ đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc Mông do Đội văn nghệ hai xã Hang Kia – Pà Cò và các diễn viên, nghệ sỹ thuộc Đội tuyên truyền Trung tâm Văn hóa điện ảnh tỉnh Hòa Bình biểu diễn. Du khách cũng được chứng kiến nghi lễ dựng cây nêu mà từ lâu cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về người Mông làm và coi đây là biểu tượng thiêng liêng, tránh những xui xẻo, man lại may mắn cho năm mới. Du khách còn được tham gia vào các hoạt động như: múa khèn, ném pao, thăm các gian hàng ẩm thực – văn hóa và xem thi đấu các môn thể thao dân tộc bắn nỏ, đánh cù, giã bánh dày..

Lễ Gầu Tào dân tộc Mông năm 2020 sẽ kết thúc vào ngày 5/1/2020
nguồn: laodong.vn
Về tác giả