Một ngày thưởng ngoạn ở Thung Nai-Hòa Bình
Một ngày thưởng ngoạn ở Thung Nai
Thung Nai là địa danh không còn xa lạ đối với những ai yêu du lịch, thích khám phá những vùng đất mới. Được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn”, Thung Nai được đông đảo du khách biết đến như một điểm sáng của vùng đất Hòa Bình. Vẻ đẹp của Thung Nai là sự kết hợp giữa sự huyền bí của con sông Đà cùng núi non hùng vĩ, thích hợp cho những chuyến đi ngắn ngày vui vẻ.
Du khách nên tới Thung Nai vào mùa hè, khoảng tháng 5 đến tháng 8 để tận hưởng cảm giác mát mẻ và xa rời cái nóng oi bức của miền Bắc. Bạn cũng có thể đến Thung Nai vào các thời điểm khác trong năm, tuy nhiên sẽ khó có thể được ngâm mình trong dòng nước mát lạnh của lòng hồ. Nếu có thể, một chuyến thăm thú Thung Nai vào đúng ngày rằm sẽ là quyết định tuyệt vời nhất. Bạn có thể ngắm ánh trăng dịu dàng soi bóng xuống mặt hồ vào ban đêm tĩnh mịch hay hòa mình vào thiên nhiên sông nước nên thơ, khoáng đạt.
Nếu muốn khám phá trọn vẹn Thung Nai thì một chuyến đi kéo dài 2-3 ngày hoặc vào dịp cuối tuần sẽ thích hợp hơn cả. Với khoảng thời gian này, bạn sẽ có thể thăm thú được nhiều địa danh của Hòa Bình hơn và thưởng thức món cá nướng sông Đà thơm ngon trứ danh.
Phương tiện đi tới Thung Nai?
Thung Nai nằm giữa lòng hồ sông Đà, là nơi có địa hình đẹp và hoang sơ với những đảo đá trên hồ hay những khu rừng rậm rạp. Len qua những rừng cây, bạn có thể thấy một Thung Nai đẹp đến nao lòng, mặt nước hồ lăn tăn gợn sóng mỗi buổi sớm hay ánh mặt trời nhuộm đỏ một góc trời khi chiều tà
Từ Hà Nội, ô tô là phương tiện thuận tiện nhất cho chuyến đi của bạn. Xe khách đi Hòa Bình xuất phát từ bến Mỹ Đình và Lương Yên, trung bình 10 – 15 phút/chuyến. Từ Hòa Bình, bạn có thể bắt taxi hoặc xe ôm để đến Thung Nai.
Nếu bạn sử dụng xe máy thì cần chú ý là đường lên Hòa Bình khá quanh co, nhiều khúc cua gấp và cua tay áo. Phương tiện được lựa chọn cần đảm bảo các thông số về tốc độ và độ an toàn. Tuy nhiên, dọc đường có rất nhiều phong cảnh đẹp để bạn tha hồ dừng xe và chụp hình. Trên đường đi, cây cối 2 bên rợp mắt, đường đi đổ dốc liên tục nên gần như không cần ga lên, rất thích hợp đi phượt cùng bạn bè.
Đến Thung Nai, bạn nên gửi xe máy và ô tô tại bến Bình Thạch. Từ đây, phương tiện di chuyển duy nhất để tham quan lòng hồ là thuyền. Các bạn nên mua tour trọn gói: đi thuyền từ bến ra đảo, ăn, ngủ, thuyền tham quan giữa các điểm du lịch từ các nhà nghỉ trong hồ.
Chơi gì ở Thung Nai
Tới Thung Nai, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan các điểm du lịch lòng hồ. Một số địa điểm nổi tiếng như động Thác Bờ, đền Bà Chúa Thác Bờ, Suối Trạch …. đều cách nơi bạn nghỉ khoảng 20-30′ đi thuyền.
Dạo quanh lòng hồ
Trải nghiệm thú vị nhất ở Thung Nai là ngồi thuyền dạo quanh lòng hồ. Thuyền xuôi mái trên mặt nước xanh in bóng núi, mây trời, trong gió lộng mát rượi. Bạn sẽ dễ dàng nhận ra 3 hòn đảo lớn nhất ở Thung Nai là đảo Dừa, đảo Cối xay gió, đảo Xanh. Đây sẽ là giây phút thư giãn tuyệt đối để bạn tận hưởng trọn vẹn cảm giác nhẹ nhàng, thư thái giữa cảnh thiên nhiên hữu tình, yên ắng tràn ngập màu xanh.
Những đảo nhỏ ở đây có vô số hình dạng kỳ thú, gợi nên những liên tưởng thú vị. Bạn có thể tự đặt tên cho mỗi hòn đảo nhỏ mình đi qua dựa vào dáng hình độc đáo của nó.
Động Thác Bờ
Động Thác Bờ thuộc xóm Bưng, xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc. Vào mùa nước cạn, du khách muốn tham quan động phải leo bộ gần 100 bậc đá từ chân núi đến cửa động. Mùa nước dâng, du khách đi từ thuyền sang nhà nổi trên một bè ghép bằng tre chạy thẳng vào cửa động. Từ trên cửa động, du khách có thể phóng tầm mắt ra xa để thả hồn mình ngắm toàn bộ dải Đà giang kỳ vĩ, thưởng ngoạn những kiệt tác thiên nhiên với núi non điệp trùng và vẻ đẹp của hang động huyền kỳ.
Đền bà Chúa Thác Bờ
Đền bà Chúa Thác Bờ thuộc huyện Đà Bắc. Từ dưới bến thuyền, du khách muốn đến được với đền thì phải leo hơn 100 bậc, sau đó vượt qua một triền dốc thoải mới đến nơi. Đền Chúa Thác Bờ được người dân Hòa Bình thờ phụng, hương khói cầu nguyện cho những chuyến đi trên sông nước được thuận lợi.
Có lẽ ít ai biết rằng, đền bà Chúa Thác Bờ đã phải di chuyển rất nhiều địa điểm. Khi chưa xây đập thủy điện Hòa Bình, cứ mỗi lần nước lên, người dân lại phải di chuyển đền lên một địa thế cao hơn để tránh nước tràn. Hằng năm cứ vào ngày mùng 7 tháng Giêng Âm lịch, người dân Hòa Bình lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ bà Chúa Thác Bờ.
Chợ Bờ
Thung Nai không thích hợp với những trò giải trí rầm rộ và ồn ào mà thay vào đó là những phút giây bình yên, tĩnh lặng thư giãn bên bạn bè, người thân, hòa mình vào không khí trong lành của núi rừng. Cứ đến mỗi buổi sáng cuối tuần, nơi đây lại tươi vui hơn bởi có chợ nổi Thác Bờ.
Chợ nổi Thác Bờ chỉ họp vào buổi sáng chủ nhật và cũng tan chợ khá sớm, tầm khoảng 8h là đã thưa thớt người qua lại. Không quá phô trương, chợ nổi Thác Bờ là nơi thông thương của các ghe thuyền trên sông Đà, người dân mang những sản vật đã đánh bắt được từ đêm hôm trước mang ra bán để đem về những niềm vui nho nhỏ.
Suối Trạch
Suối Trạch là một trong những địa điểm không nên bỏ qua khi vào Thung Nai. Nơi đây được ví như một bể tắm thiên nhiên tuyệt vời với dòng nước xanh mát và những khối đá nhấp nhô giữa lòng suối.
Suối Trạch cứ bình yên chảy qua năm tháng, dòng nước len lỏi qua từng khe đá, mềm mại, sóng nước lăn tăn gợi lên sự thoải mái, làm cho bạn có cảm giác thư thái, bỏ qua bao bộn bề công việc để sống cùng thiên nhiên tươi đẹp.
Đến Thung Nai ăn gì?
Cỗ lá
Cỗ lá bao gồm thịt lợn bản Mường và nội tạng. Sau khi các nguyên liệu được nấu chín sẽ sắp xếp theo thứ tự nhất định trên chiếc mâm lót lá chuối sạch, tất cả để trên cái mẹt nhỏ. Ngoài thịt lợn Mường, cỗ lá còn có thêm rau sống và cơm gói lá chuối. Thịt lợn được chế biến trong cỗ lá là từ những con lợn thả rông trên sườn đồi, bởi vậy, thịt lợn rất thơm và chắc. Đây cũng chính là đặc sản nổi tiếng khi đến Thung Nai.
Thưởng thức cỗ lá muốn ngon thì không thể thiếu gia vị chấm từ hạt dổi cùng muối rang. Một cỗ lá đầy đủ thể hiện mong ước một năm no đủ, hạnh phúc của người dân tộc Mường vào những ngày đầu của năm mới.
Gà chạy bộ
Với địa hình là đồi núi cao, gà được nuôi ở Thung Nai là gà chạy bộ chính hiệu. Thịt gà sẽ dai và thơm hơn so với gà nuôi thả ở dưới miền xuôi. Sau khi gà được tẩm ướp gia vị của người dân tộc Mường sẽ được kẹp vào cây và nướng trên than hồng cho tới khi chín vàng là ăn được. Ngoài gà trong bữa ăn chính, bạn có thể đặt nhà nghỉ chuẩn bị thêm 1 vài con (tùy số lượng người) để nướng hoặc nấu cháo vào buổi tối.
Cá sông Đà nướng
Sông Đà từ lâu rất nổi tiếng với nhiều loài cá ngon như cá thiểu, cá trắm đen, cá măng… Tại lưu vực lòng hồ sông Đà, cá nướng là món đặc sản. Cá được bán quanh năm nhưng vào mùa nước về (tháng 9-10), cá măng, cá trắm, cá thiểu mới được mùa, các cửa hàng mới có nhiều cá tươi bán cho khách.
Đặc biệt ở chân đền Bà Chúa Thác Bờ có rất nhiều hàng cá nướng thơm phức cho bạn thưởng thức. Nếu có thời gian thì bạn nên ngồi bên bếp củi, vừa nướng vừa nhâm nhi con cá, thêm một vài chén rượu nhâm nhi giữa không gian đầy thơ mộng.
Một xiên cá nướng thông thường vào khoảng từ 80.000 đồng trở lên, bạn có thể mua ăn luôn hoặc mang về làm quà đều được. Nhìn những con cá lấp lánh được chế biến tỉ mỉ, sạch sẽ càng làm hương vị núi rừng thêm phần ngọt ngào.
nguồn: dantri.com