default-logo

SỰ LINH THIÊNG LẠ KỲ CỦA CHÙA TÁC ĐỨC – HOÀ BÌNH

Cách trung tâm xã Lạc Thịnh hơn 5km, chùa Tác Đức tọa lạc ngay dưới chân núi Khạheo hút, đây chỉlà một ngôi nhà ba gian, mái lợp ngói rất đơn sơ

Từ xưa đến nay, người dân ở huyện Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) vẫn truyền tai nhau về sự linh thiêng lạ kỳ của chùa Tác Đức ở xã Lạc Thịnh. Và điều đặc biệt nhất là những người trót dối trá, lừa lọc, trộm cắp thường tìm đến nơi đây để nhờ quan lang trừ bỏ thói hư, tật xấu của chính mình.

Ngôi chùa linh ứng lạ kỳ

Cách trung tâm xã Lạc Thịnh hơn 5km, chùa Tác Đức tọa lạc ngay dưới chân núi Khạ heo hút, đây chỉ là một ngôi nhà ba gian, mái lợp ngói rất đơn sơ, bốn bề bị bao bọc bởi đồi và núi cao. Phía trước ngôi chùa cổ kính ấy có một cây táo dại độ hơn trăm tuổi, bên cạnh đó là bàn thờ thánh Mẫu trông cũng rất giản dị không có đến một mái che chắn. Phía sau là một dòng suối trong mát quanh năm chảy từ trên núi xuống không lúc nào ngưng. 

Sau khi rót chén nước mời khách, ông Bùi Văn Phỏn (47 tuổi) – người trực tiếp trông nom ngôi chùa cho biết: Gia đình tôi đã có 3 đời làm sãi nhưng không ai biết ngôi chùa được xây dựng năm nào. Hồi còn nhỏ tôi được nghe ông tôi kể đi, kể lại rằng, ngày xưa trong làng có hai người sống cùng xóm lên núi Khạ để xẻ gỗ làm nhà, gặp một cây cổ thụ hai người quyết định chọn cây đó, sau khi đốn được cây mà không  lăn được xuống vì cây gỗ cứ mắc mãi vào đá núi không thể nâng lên được. Thấy vậy, hai người bèn quỳ xuống khấn thần phật phù hộ, nếu lao được cây gỗ xuống núi họ sẽ xây chùa để cảm tạ. Vừa dứt lời khấn vái, cây gỗ bỗng lăn xuống hẳn chân núi, hai người lần mò xuống chỗ cây gỗ thì phát hiện cạnh cây gỗ là một tảng đá nom giống hình tượng phật. Hai người quỳ sụp xuống để cảm tạ, sau đó dựng lên một ngôi nhà nhỏ ngay tại tảng đá đó để nhang khói. 

Người dân huyện Yên Thủy vẫn còn lưu truyền những câu chuyện về sự linh thiêng cũng như là những cái chết bí ẩn của những kẻ dám cả gan ăn trộm đồ vật của nhà chùa, một cao niên trong làng kể rằng: Cách đây khoảng hơn 40 năm, trong chùa bỗng dưng bị mất một quả chuông cổ bằng đồng đen và một bát nhang bằng đá xanh, có khắc hình hai con rồng chầu nguyệt, mọi người cứ ngỡ sẽ chẳng bao được thấy lại hai thứ đồ vật quý giá đó nữa, thế nhưng được vài ba tháng sau thì chiếc chuông đồng cổ bỗng dưng quay trở về bởi một người buôn đồng nát, khi mọi người còn đang ngỡ ngàng không hiểu thì người kia thuật lại: tôi mua lại chiếc chuông đồng này từ một người đàn ông, thấy đồ vật quý nên tôi định giữ lại trong nhà nhưng vừa tuần trước tôi nghe tin người bán chiếc chuông đồng cho tôi bỗng dưng lăn ra chết mà không rõ lí do vì sao. Hỏi ra mới biết là hắn ăn trộm đồ vật quý giá của nhà chùa nên mới ra sự tình ấy, thế nên tôi vội tức tốc đem trả lại, mong sao quan lang xem xét không phạt người vô tình gây nên tội này. Được một thời gian sau, thì ông Lóng ở xóm Lạng cũng mang chiếc bát nhang bằng đá đem trả và xin vị quan lang tha cho những đứa con vừa bị ngài đày đến nỗi ngớ ngẩn. Ông Lóng thừa nhận chính mình là kẻ thấy chiếc bát đựng nhang đẹp nên đã trót mang về làm cối giã cua, vừa đem trả lại chiếc bát nhang bằng đá thì những đứa con của ông bỗng dưng khỏi bệnh. Sợ thần phật trong chùa phạt đày nên cả gia đình đã phải di cư vào khu vực Tây Nguyên, từ đó đến nay không biết sống chết ra sao…”.

Theo ông  Bùi Văn Phỏn thì còn một câu chuyện linh thiêng nữa mà cả người dân Yên Thủy đều được biết đến. Đó là vào khoảng giữa thập kỷ 80 của thế kỷ 20, có hai anh em ruột người Thanh Hóa sang đất Yên Thủy để mở nghề lò rèn dao búa. Người anh tên Lân, người em tên Quy, họ chung nhau lò rèn lại gặp thời nên khá phát đạt. Một hôm, người em về quê thăm gia đình, khi lên thấy một số lượng dao đã rèn ra bị thất thoát, người em cho rằng anh trai đã gian dối đem đi bán lấy tiền ăn chơi. Nghe người em nói vậy người anh cãi chày, cãi cối và cho rằng mình hoàn toàn trong sạch, cuộc cãi vã cuối cùng được quyết định bằng việc đưa nhau lên chùa Tác Đức để thề, nếu ai gian dối sẽ phải chết ngay lập tức. Không ngờ khi thề xong về tới nhà, cũng là lúc người anh trút hơi thở cuối cùng. Không biết có phải người anh đã chết vì linh ứng của lời thề hay không nhưng cái chết đó khiến người dân bàn tán cho rằng người anh đúng là dại dột vì dám gian dối, trộm cắp lại còn thề độc trước ngôi chùa linh thiêng. 


Chùa Tác Đức đứng nằm ở chân núi Khạ

Thật bất ngờ rằng, sau khi xảy ra vụ trộm chiếc chuông đồng và chiếc bát đựng hương bằng đá thì những kẻ trộm cắp không dám “chôm” bất cứ đồ vật nào của nhà chùa nữa. Từ lâu lắm rồi, ngôi nhà ba gian đơn sơ ấy cứ toang hoác cả ngày lẫn đêm, không có lấy một tấm cửa che chắn. Khi tôi thắc mắc rằng: “Chùa cứ để trống cửa thế không sợ kẻ trộm khuân hết đồ vật quý sao?”. Thì ông Phỏn cười lớn, đáp lại: “Trộm có tìm đến đấy nhưng không phải là khuân đồ vật của nhà chùa mà là xin nhận lỗi và hứa sẽ không bao giờ dám trộm cắp, lừa lọc nữa”.  

Ông Phỏn cho hay: “Trước đây, có trường hợp ông Bùi Văn Chửng, 65 tuổi, trú tại xóm Sấu, xã Lạc Thịnh. “Ông này lỡ ăn cắp 2 chỉ vàng của cô em dâu Bùi Thị Chủm, cô em dâu biết chính anh chồng mình lấy nên nhẹ nhàng khuyên bảo nhưng ông này không nhận là mình lấy lại một mực nói với em trai rằng, vợ mày láo quá, mất vàng lại đổ oan cho tao. Thấy anh trai mình nói thế nên đứa em về đã “tẩn” cho vợ mình một trận no đòn vì đã dám vu oan anh trai và chia cắt tình cảm anh em. Người vợ thấy mình oan ức nên tìm đến chùa giãi bày , không ngờ hôm sau thì người anh một tay băng bó, một tay cầm tiền sang trả. 

Một trường hợp nữa ở xóm Khả, xã Lạc Thịnh cũng có câu chuyện tương tự như thế với gia đình ông Bùi Văn Tỉ (52 tuổi). Em trai của ông Tỉ cho biết: “Ngày trước anh trai tôi thường hay lười biếng lại có thói trộm vặt, nhân lúc nhà tôi không có ai ông ấy sang rồi vác luôn của tôi một bao lúa gần 50 cân. Thấy thiếu lúa tôi hỏi cả nhà nhưng không ai mang đi bán cả, để giữ gìn tình cảm anh em nên tôi cũng không dám hỏi anh ấy. Không ngờ một tuần sau, anh Tỉ sang nói tôi lên chùa Tác Đức cùng để xin quan ngài đừng phạt anh ấy nữa, anh trai tôi còn xin quan lang trừ bỏ thói trộm cắp vặt. Tính cho đến nay, cũng đã được 10 năm anh ấy không quay lại con đường cũ, giờ thì chịu khó làm ăn lắm rồi!”. 

Có lẽ cũng vì sự linh ứng của ngôi chùa mà không ít những trường hợp bố – con, vợ – chồng, anh – em… lên chùa để “sám hối” và hứa sẽ không bao giờ tái phạm những tật hư như dối trá, lừa lọc và trộm cắp nữa. Sự linh nghiệm của ngôi chùa còn giúp cho các mối quan hệ gia đình, hàng xóm láng giềng ngày càng thêm gắn bó khăng khít. Và điều bất ngờ nhất là khu vực xã Lạc Thịnh đã gần như không còn nảy sinh tệ nạn trộm cắp. Những câu chuyện về sự linh nghiệm của chùa Tác Đức có phần nhuốm màu tâm linh nhưng nếu vì cái “uy” của chùa mà tệ nạn trộm cắp và những thói dối trá, lừa lọc không còn nữa thì cũng là một điều đáng mừng chứ sao? – một  cụ cao niên trầm ngâm nhận xét. Tác Đức là một cổ tự nổi tiếng, được nhân dân quanh vùng sùng kính với những câu chuyện linh thiêng. Nếu người dân nào cũng biết trông vào ngôi chùa để “cải tà quy chính”, gìn giữ cho cái tâm mình được trong sạch thì xóm làng sẽ không còn bóng dáng “đạo tặc” nữa, và cuộc sống của chính họ sẽ ngày càng thêm thanh thản, yên bình. 

Về tác giả